TÀI LIỆU HỎI - ĐÁP VỀ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN TẠI KHU VỰC CỒN XANH, HUYỆN NGHĨA HƯNG
Lượt xem: 446

ĐẢNG ỦY THỊ TRẤN QUỸ NHẤT

Thực hiện công văn số 454-CV/BTGTU ngày 19/8/2022 của Ban tuyên giáo tỉnh ủy Nam Định về việc sử dụng Tài liệu tuyên truyền việc triển khai các dự án tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Đảng ủy thị trấn Quỹ Nhất thông báo nội dung:

TÀI LIỆU HỎI - ĐÁP

VỀ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN

TẠI KHU VỰC CỒN XANH, HUYỆN NGHĨA HƯNG

(Kèm theo Công văn số 454-CV/BTGTU ngày 19/8/2022 của Ban Tuyên giáo

Tỉnh ủy Nam Định)

-----

Câu 1: Mục tiêu, quy mô, vị trí và tiến độ triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh?

Trả lời:

Các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng là dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn và được sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương triển khai thực hiện. Bao gồm:

Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định

- Mục tiêu dự án: Sản xuất sắt, thép, gang. Các hoạt động phục vụ gang, thép. bao gồm: Đúc sắt, thép; tái chế phế liệu; thoát nước và xử lý nước thải; khai thác, xử lý và cung cấp nước; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương.

- Quy mô dự án: Xây dựng nhà máy gang thép với diện tích khoảng 284,97ha. Sản xuất sắt xốp, thép và các sản phẩm từ thép với công suất 7,5 triệu tấn/năm. bằng công nghệ hoàn nguyên lò đứng, luyện thép lò điện hồ quang và công nghệ đúc cán liên tục với lưu trình liên động khép kín. Tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng

- Địa điểm thực hiện dự án: Xã Nghĩa Hải, xã Nghĩa Thành, xã Nghĩa Lâm. huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

- Tiến độ thực hiện dự án:

+ Giai đoạn 1: Tiến độ thực hiện trong thời gian 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa, hoàn thành dây chuyền cán nguội chế biến sâu, công suất 1 triệu tấn/năm, sản phẩm thép tấm mạ kẽm, thép tấm sơn phủ, là mặt... và các hạng mục phụ trợ khác. Giá trị đầu tư giai đoạn I dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2: Tiến độ thực hiện trong thời gian 48 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa, hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm, chu yếu là thép cuộn cán nóng HRC (trong đó, đã bao gồm 1 triệu tấn sản phẩm của giai đoạn 1). Giá trị đầu tư giai đoạn 2 dự kiến khoảng 46.000 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 3: Tiến độ thực hiện trong thời gian 60 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa, hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC. Giá trị đầu tư giai đoạn 3 dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng

- Mục tiêu dự án: Sản xuất sắt, thép, gang. Tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 800 lao động tại địa phương.

- Quy mô dự án: Xây dựng nhà máy thép xanh với diện tích khoảng 83,93ha. Sản xuất thép thành phẩm với công suất 2 triệu tấn/năm, từ thép phế liệu và sản phẩm chứa sắt bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục. Tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

- Địa điểm thực hiện dự án: Xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Tiến độ thực hiện dự án:

+ Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn: Theo tiến độ thực hiện dự án.

+ Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động: Trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa.

Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định

- Mục tiêu dự án: Sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, xi măng, thạch cao. Tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 400 lao động tại địa phương.

- Quy mô dự án: Xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với diện tích khoảng 57,8ha; công suất khoảng 350.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.

- Địa điểm thực hiện dự án: Xã Nghĩa Hải, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

- Tiến độ thực hiện dự án: Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn: Theo tiến độ thực hiện dự án.

+ Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động: Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa.

Câu 2: Ý nghĩa, lợi ích khi các dự án đi vào hoạt động?

Trả lời:

+ Các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng là các dự án quy mô đầu tư lớn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thử XX; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 ", Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo ".

Các dự án trên được xây dựng tại vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây được quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vẫn mang tính manh mún, tự phát, gặp khó khăn vì thiên tại, bão lụt, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp cho ngân sách. Trong khi đó, nơi đây có tiềm năng phát triển cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản. Như vậy, các dự án được triển khai sẽ khơi dậy và phát huy lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế biển; đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách đị phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tạo điều kiện cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân.

Mặt khác, các dự án này sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị thương mại dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng đồng thời là tiền đề, động lực để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ (có tổng diện tích gần 14.000 ha trên địa bàn 2 huyện Hai Hậu, Nghĩa Hưng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời tạo mối quan hệ, liên kết kinh tế với các địa phương khác, mở rộng thị trường, trao đổi giáo lưu hàng hoá; hiện thực hoá khát vọng khu vực ven biển sẽ trở thành cực tăng trường kinh tế nhanh và bền vững, đóng góp quan trọng để đạt mục tiêu đưa Nam Định đến năm 2030 là tinh phát triển khá của cả nước.

Câu 3: Việc triển khai các dự án trên có ảnh hưởng đến môi trường không?

Trả lời:

* Về công nghệ sản xuất

Nhằm đáp ứng với yêu cầu khi thu hút đầu tư vào tinh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đặc biệt là yêu cầu bảo vệ môi trường, nhà đầu tư các dự án cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7 Châu Âu, thiết bị mới 100% đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó, áp dụng công nghệ luyện thép xanh (luyện thép phi cốc) hiện đại, thân thiện với môi trường để sản xuất thép xanh; đầu tư chế biến sâu từ quặng với quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng...

* Về khoảng cách đến các đối tượng xung quanh:

Các dự án nằm tại vị trí cách Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ khoảng 60km về phía Đông Bắc. Vi vậy, dự báo sẽ không gây tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học khu vực này. Đối với khu hệ sinh thái rừng ngập mặn Nghĩa Hưng, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư sẽ áp dụng các biện pháp quản lý kết hợp kỹ thuật để giảm tối đa tác động, giữ vững và bảo tồn hệ sinh thái nơi đây. Khoảng cách từ vị trí xây dựng lò luyện thép của dự án đến khu dân cư gần nhất khoảng 1.500m; phù hợp theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 của Bộ Xây dựng (luyện thép bằng phương pháp lò Mac tanh và lò luyện với sản lượng 1 triệu tấn/năm phải có khoảng cách ly vệ sinh 1.000m).

* Về các biện pháp bảo vệ môi trường:

- Thủ tục môi trường của dự án: Trước khi triển khai đầu tư dự án, nhà đầu tư sẽ lập, hoàn thiện các thủ tục môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

- Về các biện pháp bảo vệ môi trường: Nhà đầu tư cam kết sẽ thu gom, xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường, cụ thể như sau:

+ Đối với nước thải: Toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép, sau đó tuần hoàn tái sử dụng trên 98%.

+ Đối với bụi, khí thải: Nhà đầu tư cam kết sử dụng hệ thống lọc bụi hiện đại cho tất cả các quá trình sản xuất có phát sinh khí thải. Bụi phát sinh được thu gom, tái sử dụng cho các công đoạn sản xuất khác, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

+ Đối với chất thải rắn: Đối với chất thải rắn từ quá trình sản xuất được thu gom, tái sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia cho các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu của nhà máy; tro xỉ từ quá trình luyện thép được cung cấp làm vật liệu xây dựng, không thải ra môi trường: đối với những chất thải không tái chế, tái sử dụng được, nhà đầu tư sẽ thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

+ Nhà đầu tư cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong các sự cố, rủi ro môi trường xảy ra do triển khai dự án.

Câu 4: Việc triển khai thực hiện các dự án có phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không?

Căn cứ theo Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 02/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó định hướng “thu hút được các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế… tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thiết bị đồng bộ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, đa dạng hóa các nguồn đầu tư". Với địa thế vùng ven biển Nghĩa Hưng có tiềm năng phát triển cảng thuỷ, cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản. Như vậy, việc triển khai các dự án tại khu vực Cồn Xanh sẽ tiếp tục phát huy các lợi thế của địa phương, cải thiện vị thế địa kinh tế của tỉnh và hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày 08/12/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/NQ- HĐND thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, phát triển kinh tế ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn. Việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vẫn mang tính manh mún, tự phát, gặp khó khăn vi thiên tai, bão lụt... Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện; các địa phương trong tỉnh, trong khu vực chưa có sự kết nối chặt chẽ: khoảng cách giàu nghèo của người dân vùng biển có xu hướng ngày càng tăng. Ngày 10/7/2020, căn cứ Nghị quyết 751/2019/UBTVQH ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ về việc ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày 24/6/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 227-TB TU cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (trực tiếp là Công ty Xuân Thiện Nam Định) được khảo sát, nghiên cứu Tổ hợp Nhà máy luyện gang thép; Dự án Trạm nghiền xi măng; Dự án Cảng sông Đáy; Dự án Nhà máy E tha nol; Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế; Dự án Khu đô thị biển tại huyện Nghĩa Hưng. Ngày 14/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Thông báo số 318-TB/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định, Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng và Công ty Cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng tại huyện Nghĩa Hưng.

Ngày 09/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định, Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định. Ngày 22/3/2022, UBND tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tăng vốn, tăng công suất, thân thiện với môi trường và thay đổi tên 02 dự án: “Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định” thành “Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định", "Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng” thành “Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng”. Tổng vốn đầu tư của cả 03 dự án là 98.900 tỷ đồng.

Căn cứ theo Danh mục các công trình, dự án thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 huyện Nghĩa Hưng đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 thì vị trí dự kiến thực hiện các dự án có trong quy hoạch sử dụng đất của huyện và phù hợp với quy hoạch chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông các dự án đã có trong danh mục các công trình, dự án thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 2122/QĐ-UBND ngày 01/10/2021.

Câu 5: Công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng được thực hiện dựa trên các căn cứ nào.

Trả lời:

Công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh, UBND huyện, gồm:

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai năm 2013,

- Nghị định 43/2014/ND-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;

- Nghị định số 47/2014/ND-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

- Nghị định số 01/2017/ND-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;

- Nghị định số 148/2020/ND-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;

- Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trưởng quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định; Quyết định 62/202U/QĐ-UBND 21/12/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định, Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định ban hành kèm theo Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh Nam Định.

Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 của UBND tỉnh về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thông báo số 217/TB-UBND, 218/TB-UBND, 219/TB-UBND ngày 03/11/2021, Thông báo số 112/TB-UBND ngày 19/4/2022; Thông báo số 142/TB- UBND, 143/TB-UBND ngày 31/5/2022 của UBND tỉnh về việc thu hồi giải phóng mặt bằng để phục vụ việc đầu tư xây dựng các dự án; Quyết định số 1311/QĐ- UBND, 1312/QĐ-UBND, ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định.

Kế hoạch số 99/KH-UBND, 100/KH-UBND. 101 KH-UBND ngày 05/11/2021; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 22/4/2022 của UBND huyện Nghĩa Hưng về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Công văn số 872/UBND-TNMT, 873/UBND-TNMT, 874/UBND-TNMT ngày 08/11/2021 của UBND huyện Nghĩa Hưng về thực hiện thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh Nam Định để giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư.

Câu 6: Về nguồn gốc đất đai của các dự án?

- Trả lời:

Về nguồn gốc đất đai triển khai các dự án đều là đất công của Nhà nước, được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Địa điểm thực hiện 03 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện thuộc khu vực bãi triều Cồn Xanh, ngoài đê Tây Cồn Xanh. Đây là vùng đất công thuộc quyền quan lý của Nhà nước, được tạm giao quyền quản lý hành chính cho các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm và Nam Điền quản lý theo Quyết định số 1917/2001/QĐ-UBND ngày 14/9/2001 của UBND tỉnh. Hiện tại, các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm và Nam Điền ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để canh tác trong thời gian ngắn hạn, không phải là đất giao ổn định, lâu dài cho nhân dân.

Câu 7: Quyền lợi của người dân khi triển khai các dự án?

- Khi triển khai các dự án của tập đoàn Xuân Thiện, người dân trong diện giải tỏa được hưởng những quyền lợi sau:

+ Được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Điều 75, 76, 77 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 3, 4 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định, Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh và việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định ban hành kèm theo Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh Nam Định.

+ Được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, được ưu tiên tuyển dụng vào lao động tại các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, toàn bộ Khu liên hợp gang thép Xuân Thiện Nam Định sẽ sử dụng đến 30.000 nhân lực lao động. Riêng tổ hợp 03 dự án dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động với tiến độ tuyển dụng từ 2023-2025, chủ yếu là các lao động kỹ thuật và được đào tạo chuyên ngành, theo các ngành và dây chuyền sản xuất cụ thể; lao động phổ thông chiếm khoảng 2.000 người. Ngoài ra Tập đoàn còn có chương trình đài thọ kính phí gửi người lao động đi đào tạo ở nước ngoài để về phục vụ dự án, ưu tiên những hộ bị ảnh hưởng.

+ Được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt tài sản (nếu có) theo Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định.  

Được thụ hưởng các tiện ích về hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, kinh doanh dịch vụ...) khi các dự án đi vào hoạt động.

Câu 8: Trách nhiệm của người dân khi triển khai các dự án?

- Người dân trong diện thu hồi đất để GPMB có trách nhiệm sau:

+ Khi có thông báo chủ trương thu hồi đất, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có trách nhiệm chấp hành đầy đủ và dúng thời gian về kế hoạch thu hồi đất, kê khai diện tích, loại đất, vị trí đất, số lượng tài sản hiện có trên đất, kê khai số nhân khẩu, số lao động, các thông tin khác có liên quan theo hướng dẫn của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

+ Tuyên truyền vận động người thân trong gia đình, cộng đồng chấp hành nghiêm các quy định về giải phóng mặt bằng.

+ Không có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Không gây mất trật tự tại trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở nơi công cộng khác; Không báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng. Không xâm hại đến sức khỏe của người khác; Không lợi dụng quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Không gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức; Không tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm; Không viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tô chức, cá nhân. Nếu cả nhân, tổ chức cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Câu 9: Trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định như thế nào?

Trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định từ Điều 67 đến Điều 71 Luật Đất đại năm 2013 bao gồm các bước sau:

- Xây dựng kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

- Ban hành Thông báo thu hồi đất và thực hiện Thông báo thu hồi đất.

- Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

- Lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng,

- Hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

- Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

 - Phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

- Bàn giao mặt bằng.

*) UBND huyện Nghĩa Hưng đã gửi các thông báo về việc thu hồi đất tới các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; ban hành các quyết định thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; ban hành các kế hoạch về việc thu hồi đất; tiến hành điều tra, khảo sát, do đạc, kiểm đếm để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng. đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ thu hồi đất các dự án: Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, đang thẩm định hồ sơ thu hồi đất dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định.

Câu 10: Chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

- Điều 74, 75, 76, 77 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 3, 4 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định:

+ Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phi đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bao gồm: Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất. Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phi mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết như: Chi phí san lắp mặt bằng; Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực; Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục địch sử dụng đất. Căn cứ để tính toán chi phi đầu tư vào đất còn lại dựa trên các chi phi mà người sử dụng đất đã đầu tư, thời hạn sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất còn lại.

Ngoài ra, trường hợp hộ gia đình, cả nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo đúng quy định.

Theo Quyết định số 06/2022 QĐ-UBND ngày 22/4 2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi là thủy sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nam Định, việc bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản được quy định như sau:

+ Nếu tại thời điểm thu hồi đất, vật nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch thì không được bồi thường. Nếu tại thời điểm thu hồi đất, vật nuôi chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra nhưng mức tối đa không vượt quá mức đơn giá bồi thường tại Quy định này. Diện tích để tính đơn giá bồi thường là diện tích mặt nước thực tế nuôi trồng thủy sản.

+ Mức đơn giá bồi thường cụ thể: Cá giống nước ngọt, nước mặn, nước lợ được bồi thường 18.000 đồng/m2; Cá thịt nước mặn, nước lợ được bồi thường 25.000 đồng/mm2. Tôm giống nước ngọt, nước mặn, nước lợ được bồi thường 25.000 đồng/m2…; Tôm thịt nước ngọt, nước mặn, nước lợ được bồi thường 16.000 đồng/m².

 Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Câu 11: Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nhất là những hộ dân bị ảnh hưởng được triển khai như thế nào?

Trả lời:

Vấn đề giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nhất là những hộ dân bị ảnh hưởng cũng được chính quyền và nhà đầu tư xem xét, tính toán kỹ lưỡng,

Nhà đầu tư đã có Văn bản số 42 XTNĐ ngày 08/12/2021 về nhu cầu sử dụng lao động của Khu liên hợp gang thép Xuân Thiện Nam Định. Theo đó, dự kiến sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, toàn bộ Khu liên hợp gang thép Xuân Thiện Nam Định sẽ sử dụng đến 30.000 nhân lực lao động. Riêng tổ hợp 03 dự án dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động với tiến độ tuyển dụng từ 2023- 2025, chủ yếu là các lao động kỹ thuật và được đào tạo chuyên ngành, theo các ngành và dây chuyền sản xuất cụ thể, lao động phổ thông khoảng 2.000 người.

Nhu cầu sử dụng lao động từ phía các dự án của Tập đoàn là rất lớn, đủ điều kiện để bà con chuyển đổi nghề nghiệp và thu hút lao động địa phương, ngoài ra Tập đoàn còn có chương trình đài thọ kinh phi gửi người lao động đi đào tạo ở nước ngoài để về phục vụ dự án, ưu tiên những lao động bị ảnh hưởng bởi dự án.

Câu 12: Việc thông tin, tuyên truyền về thu hồi giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án đến người dân, trực tiếp là người dân trong diện thu hồi được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Việc thông tin, tuyên truyền về thu hồi giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án được triển khai theo các bước sau:

Huyện uỷ Nghĩa Hưng đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/HU ngày 06/12/2021 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để giải phóng mặt bằng thực hiện 03 dự án đầu tư. Theo đó Đảng ủy các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết với các giải pháp, biện pháp cụ thể, đồng bộ nhằm sự chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương.

- Gửi các thông báo về việc thu hồi đất tới các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; kể từ ngày 10/11/2021, các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực dự án dừng đầu tư và nuôi thả mới. Trường hợp nuôi thả mới, chỉ nuôi thả con nuôi ngắn ngày và đảm bảo thu hoạch trước ngày 15/2/2022. Trong thời gian này, người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ.

- Tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân trong vùng dự án; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai vận động quần chủng nhằm tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trên địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã vào các ngày trong tuần với tần suất 2 lần/ngày, tuyên truyền bằng xe lưu động trên địa bàn các xã trong vùng dự án.

Câu 13: Những hành vi nào vi phạm quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng" Mức độ xử lý các hành vi vi phạm?

- Những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng bao gồm: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Gây mất trật tự tại trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở nơi công cộng khác; Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; Xâm hại đến sức khỏe của người khác; Lợi dụng quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức: Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm; Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân.

Những hành vi trên sẽ bị xử phạt theo Điều 5 - Nghị định số 167/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những người có hành vi gây nguy hiểm và gây hậu quả cho xã hội, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

- Những người có hành vi "lấn đất, chiếm đất" thì bị xử lý theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 9V/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Những người có hành vi nguy hiểm và gây hậu quả cho xã hội trong quá trình sử dụng đất, nếu đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật hình sự,

Quá trình triển khai thực hiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Câu 14: Trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành?

Trả lời:

Giải phóng mặt bằng là một việc làm khó khăn, phức tạp bởi thu hồi đất để triển khai các dự án thời gian đầu không tránh khỏi gây ra một số khó khăn, đảo lộn nếp sống, sản xuất của người dân, nhất là với những hộ phải thu hồi với tỷ lệ cao. Nhưng với những chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống mà tỉnh và nhà đầu tư đang và sẽ triển khai thực hiện tại khu vực Cồn Xanh đã thể hiện sự cố gắng, quan tâm sâu sắc, giúp cho người dân trong vùng dự án được hưởng lợi ở mức cao nhất trong quy định chung của chính sách, pháp luật. Nếu nghiêm túc suy nghĩ, tìm hiểu, so sánh thì điều đó rất có lợi cho sự phát triển chung của tỉnh, của huyện và cho mỗi gia đình.

Công tác giải phóng mặt bằng cần phải được triển khai đúng tiến độ. Việc một số ít người chưa nhận thức đúng vấn đề, cản trở việc giải phóng mặt bằng, tạo ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội, gây mất ổn định trật tự, an ninh nông thôn, mất đoàn kết trong gia đình, cộng đồng dân cư... trong thời gian qua là đi ngược lại xu thế phát triển chung của đất nước và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, nếu công tác giải phóng mặt bằng không được triển khai đúng tiến độ sẽ làm tổn hại kinh tế cho nhà đầu tư, làm xấu môi trường đầu tư, hình ảnh của tỉnh, ảnh hưởng đến mục tiêu, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề nghị các tầng lớp nhân dân trong huyện, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực Cồn Xanh và bãi ngoài đê Tây Cồn Xanh vì lợi ích phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, của huyện ủng hộ các dự án, tích cực hợp tác với các đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tránh những hành vi vi phạm pháp luật.

Các cấp ủy đảng cần có nghị quyết lãnh đạo; chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sâu sát nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xử lý kịp thời những vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các dự án. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên và gia đình cần gương mẫu thực hiện trước. Các cơ quan nội chính kịp thời phát hiện. Giáo dục, xử lý những người cố tình xuyên tạc sự thật, kích động gây trở ngại cho việc giải phóng mặt bằng./.

Tin mới







image advertisement
image advertisement

 image advertisement

anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Thị Trấn Quỹ Nhất - Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ: Khu phu phố  6 - Thị trấn Quỹ Nhất - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
Email: UBNDquynhat@gmail.com
ĐT: 0228.3872016
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang